Dư âm của World Cup 2022 vẫn đọng lại cho đến bây giờ. Sau đây là những thống kê cá nhân trái ngược nhau (tốt nhất – tệ nhất) tại giải đấu năm nay.

Ounahi (áo đỏ, số 8) có tỷ lệ rê bóng thành công tốt nhất, còn Ferran Torres (số 11) là tệ nhất

1.Tỷ lệ chuyển đổi bàn thắng

Cao nhất: Gakpo (Hà Lan) – 60%

Chỉ sau 5 cú sút, tiền đạo này đã ghi được 3 bàn thắng, chiếm tới 30% số bàn thắng của Hà Lan (10 bàn). Anh là cầu thủ có tỷ lệ chuyển đổi bàn thắng cao nhất World Cup năm nay.

Thấp nhất: Perisic (Croatia) – 6,3%

Perisic góp công rất lớn giúp Croatia giành hạng Ba với 1 bàn thắng và 3 kiến tạo. Anh là chân kiến tạo tốt nhất giải đấu nhưng lại chỉ ghi được 1 bàn thắng sau 15 cú dứt điểm, chỉ đạt tỷ lệ chuyển đổi bàn thắng là 6,3%, thấp nhất giải đấu.

2. Tỷ lệ rê bóng thành công (cho cầu thủ có trên 10 lần rê bóng)

Cao nhất: Ounahi (Ma rốc) – 83,3%

Không chỉ là một chiến binh ở tuyến giữa, Ounahi còn có khả năng rê bóng xuất sắc khi thành công 10 trong 12 lần nỗ lực đi bóng qua đối thủ, đạt tỷ lệ 83,3%, cao nhất giải đấu.

Thấp nhất: Ferran Torres (Tây Ban Nha) – 10%

Dù đã ghi 2 bàn thắng nhưng chưa thể nói Ferran Torres có một giải đấu thành công khi anh bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và có tỷ lệ rê bóng thấp nhất, chỉ đạt 10%. Cụ thể là 1 lần thành công sau 10 nỗ lực rê bóng.

3. Tỷ lệ cứu thua thành công (cho thủ môn ra sân 4 trận trở lên)

Cao nhất: Livakovic (Croatia) – 80,6%

Livakovic đã tỏa sáng rực rỡ giúp Croatia giành hạng Ba với việc cản phá 4 quả penalty trong 2 trận trước Nhật và Brazil. Với 25 pha cứu thua, anh không chỉ có nhiều pha cứu thua nhất mà còn có tỷ lệ tốt nhất, đạt 80,6%.

Thấp nhất: Mendy (Senegal) – 50%

Kể từ sau chức vô địch Champions League 2021 cùng Chelsea, Mendy đã sa sút khá nhiều. Điều đó tiếp tục thể hiện tại World Cup năm nay với 7 bàn thua sau 14 pha dứt điểm trúng đích, chỉ đạt tỷ lệ cứu thua 50%, có nghĩa là cứ sau 2 cú dứt điểm trúng đích, anh thủng lưới 1 lần.

4. Tỷ lệ tắc bóng thành công (Cầu thủ có hơn 10 pha tắc bóng)

Cao nhất: Upamecano (Pháp), Josip Juranovic, (Croatia), Silvan Widmer (Thụy Sĩ), Timber (Hà Lan) và Konate (Pháp) – tất cả đều 100%.

Trong đó, Konate là người thực hiện nhiều pha tắc bóng nhất với 15 lần.

Thấp nhất: Hassan Al Haydos (Qatar): 40%

Tiền vệ của Qatar chỉ thành công 4 lần sau 10 pha tắc bóng, đạt tỷ lệ 40%. Đội chủ nhà gây thất vọng tràn trề tại giải đấu năm nay với 3 trận toàn thua, thủng lưới 7 bàn, chỉ ghi được 1 bàn.

5. Tỷ lệ chiến thắng tranh chấp trên không (Cầu thủ có trên 10 pha tranh chấp).

Cao nhất: Cancelo (Bồ Đào Nha) và Kim Min-Jae (Hàn Quốc|): 90,9%

Cả hai đều chơi ở bảng H, cũng đều lọt vòng 1/8.

Thấp nhất: Hwang Ui-Jo (Hàn Quốc): 7,7%

Hwang Ui-Jo là đồng đội của Kim Min-Jae tại Hàn Quốc nhưng lại là người có tỷ lệ chiến thắng tranh chấp trên không thấp nhất, đạt 7,7% (chỉ thắng 1 sau 13 lần tranh bóng).

6. Tỷ lệ dứt điểm trúng đích (Cầu thủ có trên 5 cú sút)

Cao nhất: Hwang Hee-Chan (Hàn Quốc) – 83,3%

Hwang Hee-Chan chỉ chơi 114 phút nhưng đã kịp tung ra 6 cú dứt điểm, có tới 5 lần trúng đích, đạt tỷ lệ 83,3%

Thấp nhất: Jonathan David (Canada) – 12,5%

Dù rất được kỳ vọng trên hàng công Canada nhưng tiền đạo Jonathan David để lại nỗi thất vọng lớn, người đã tung 8 cú dứt điểm, chỉ 1 lần trúng đích, đạt tỷ lệ 12,5%, thấp nhất giải đấu.